THÔNG TIN TÀI KHOẢN


Những công nghệ đi trước thời đại trên xe đua MotoGP

Lò xo van khí nén, hộp số liền mạch hay phanh carbon chịu nhiệt lên đến 900 độ C là số ít những công nghệ tân tiến chỉ có tại MotoGP mà không thể tìm thấy trên xe thương mại hiện nay.

Những công nghệ đi trước thời đại trên xe đua MotoGP

MotoGP luôn là giải đua xe hấp dẫn nhất hành tinh kể từ khi xuất hiện. Mỗi năm các hãng sản xuất có thể chi đến 100 triệu USD cho đội đua của mình. Những chiếc xe đua MotoGP với động cơ 1.000 phân khối có thể sản sinh công suất tới 240 mã lực, một con số mà không chiếc xe thương mại nào có thể sánh được. Đặt dưới sự kiểm soát của những tay đua xuất chúng như Valentino Rossi, những chiếc xe MotoGP như YZR-M1 có thể đạt đến tốc độ hơn 340 km/h trên đường thẳng một cách dễ dàng.

Có nhiều quy định về công nghệ trên xe MotoGP như cấm sử dụng ABS, giảm xóc điện tử, nhưng ở những bộ phận khác, xe đua MotoGP lại sở hữu những công nghệ tân tiến nhất của ngành công nghiệp xe máy, là tiền đề áp dụng trên xe thương mại hiện nay.

1. Van lò xo khí nén

Động cơ trên xe đua MotoGP có thể nhanh chóng chạm ngưỡng vòng tua 17.000 vòng/phút nên những đội đua thường sử dụng công nghệ lò xo van khí nén để đóng mở van, bởi những van thông thường bằng kim loại không thể đáp ứng tốc độ nhanh, chính xác.

Với công nghệ này, các van động cơ vẫn đóng mở bởi trục cam, nhưng thay vì dùng lò xo như trên xe thương mại, ở đây có một buồng chứa khí nén với một piston làm nhiệm vụ điều hướng thu hồi khí nén, thông qua đó đóng mở van. Như trên chiếc YZR-M1, loại lò xo bằng khí nén này có thể hoạt động 140 lần mỗi giây và giảm thiểu những va đập kém hiệu quả.

Các thế hệ YZR-M1 đã làm nên tên tuổi của Yamaha

2. Hộp số liền mạch

Đúng như tên gọi của nó, hộp số liền mạch (Seamless-Shift Gearbox) giúp các tay đua rút ngắn tối đa thời gian chuyển số và cải thiện gia tốc và độ mượt khi tăng tốc rõ rệt. Loại hộp số này thừa hưởng công nghệ từ cuộc đua F1, cho phép xe bắt vào số mới trước khi số cũ ngắt hoàn toàn. Nhờ vậy, các tay đua Yamaha chỉ mất thời gian 0,038 giây để sang số trên chiếc YZR-M1.

Hiện nay công nghệ này mới chỉ áp dụng cho xe đua MotoGP mà chưa có trên xe thương mại. Loại công nghệ tiệm cận nhất trên các dòng xe thương mại hiện nay là hệ thống hỗ trợ sang số nhanh (Quick Shifter), cho phép sang số hoặc giảm số khi đạt vòng tua phù hợp mà không cần thao tác với ly hợp.

Những góc cua cho thấy sự cần thiết của công nghệ

3. Hệ thống phanh tối tân

Kìm hãm cỗ máy 240 mã lực ở vận tốc hơn 300km/h trong vài giây cần một hệ thống phanh không chỉ mạnh mẽ mà còn phải nhanh chóng và đảm bảo được an toàn. Vì vậy, công nghệ phanh tại MotoGP được ưu tiên phát triển không kém so với động cơ.

Heo phanh tại MotoGP thường là các sản phẩm cao cấp nhất của các nhà sản xuất phanh hàng đầu như Brembo hay Nissin. Đây là các trang bị được tiện từ phôi nhôm, titanium hoặc trước đó nữa là hợp kim nhôm-lithium nguyên khối, so với các sản phẩm heo phanh nhôm đúc thương mại. Heo phanh MotoGP có độ cứng và độ hoàn tiện vượt trội, giúp giảm xê dịch các chi tiết và tối ưu lực phanh.

Hình chụp một bên của hệ thống phanh

Trong khi đó, đĩa phanh sẽ được làm từ carbon để chịu được nhiệt cao, trọng lượng nhẹ hơn, giúp mang lại hiệu quả điều khiển tốt hơn, trong khi các giải đua tiệm cận như Moto2 hoặc Moto3 vẫn chỉ sử dụng đĩa kim loại như thép.

Phanh đĩa tại MotoGP với các kích thước 320 mm và 340 mm sẽ có trọng lượng trung bình từ 850 – 1.200g. Các đĩa này sẽ có màu đen đặc trưng của carbon cho đến khi quá trình sử dụng làm nóng và chuyển đĩa phanh sang màu đỏ, báo hiệu sức nóng của phanh tại thời điểm đó có thể lên tới 750-800 độ C. Vì hoạt động ở điều kiện khắc nghiệt liên tục nên đĩa phanh MotoGP chỉ có độ bền từ 800 – 1.000 km, so với độ bền có thể lên đến 40.000 – 50.000 km của đĩa phanh thương mại.

Đăng ký lái thử
Kết nối với chúng tôi